/uploadwb/hinhanh/Gan-1-triue-ngui-that-nghiep-do-covid-19_823420208579_b_.jpg
Số người thất nghiệp do covid 19 tại Việt Nam là gần 1 triệu người theo thống kê của Tổng cục thống kê tính tới tháng 6/2020.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) xuất hiện từ tháng 1 năm 2020 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 năm 2020, xuống còn âm 4,9%; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu âm 5,2%, là mức suy giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của người lao động với gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu đứng trước nguy cơ bị hủy hoại sinh kế theo như đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế. Số liệu về tình hình lao động việc làm cho thấy, tình trạng thất nghiệp đang gia tăng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại những nền kinh tế lớn như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 năm 2020 tương ứng là 13,7%; 13,3%; 5,9%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2020 tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020; trong đó, một số ngành ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,1%; vận chuyển hành khách giảm 44,4%,... Lực lượng lao động giảm hơn 2 triệu người so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm qua (4,46%).
2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm
Cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Cụ thể, lực lượng lao động quý II của các năm trong giai đoạn 2012 - 2019 liên tục tăng so với quý trước (trừ năm 2016, lực lượng lao động quý II giảm 43,5 nghìn người so với quý trước) và liên tục tăng so với cùng kỳ năm trước (trừ năm 2015, lực lượng lao động quý II giảm 7,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2014); trong khi đó, quý II năm 2020 đánh dấu sự sụt giảm lực lượng lao động lên tới hơn 2 triệu người - mức giảm chưa từng có trong thập kỷ vừa qua.
Hình 1: Lực lượng lao động quý I và quý II các năm giai đoạn 2011-2020
Đơn vị: Nghìn người
Lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm ở khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ giảm 4,4% so với quý trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam.
Hình 2: Mức giảm của lực lượng lao động chia theo thành thị, nông thôn và giới tính
Đơn vị: %
Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam. Trong quý II năm 2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi (giảm 3,9% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước). Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,8% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động nam ngoài độ tuổi thậm chí tăng nhẹ (tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước).
Hình 3: Mức tăng/giảm của lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi lao động chia theo giới tính
Đơn vị: %
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2020 là 72,3%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 4,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 45,3%; nông thôn: 60,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 28,1%; nông thôn: 50,9%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm ở tất cả các nhóm tuổi; trong đó, nhóm dân số từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm sâu nhất (giảm 10,3 điểm phần trăm) trong khi mức giảm của các nhóm tuổi khác ở khu vực thành thị là dưới 3,0 điểm phần trăm và mức giảm của nhóm tuổi này ở khu vực nông thôn chỉ là 3,8 điểm phần trăm. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã tác động làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.
Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm công hưởng lương giảm gần 1,2 triệu người so với quý trước; nhóm lao động yếu thế (lao động tự làm và lao động gia đình) giảm 1,1 triệu người so với quý trước.
Lao động có việc làm trong quý II năm 2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).
Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%.
Lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng, giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình giảm nhiều nhất
Số lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2020 là 19,5 triệu người, giảm 516 nghìn người so với quý trước và giảm 634 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của các cú sốc. So với cùng kỳ năm trước, lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng giảm nhiều nhất (giảm 36,2%), tiếp theo là ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình (mỗi ngành giảm 17,9%).
Ngoài đặc điểm về tính dễ bị tổn thương khi có các cú sốc về cầu lao động, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn so với lao động chính thức. Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lao động thiếu việc làm tăng
Số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong quý II năm 2020 là gần 1,5 triệu người, tăng 363,9 nghìn người so với quý trước và tăng 726,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động là nam giới thiếu việc làm tăng cao hơn so với nữ giới thiếu việc làm: tăng 250 nghìn nam giới thiếu việc làm và tăng 113,9 nghìn nữ giới thiếu việc làm; so với cùng kỳ năm trước, mức tăng tương ứng là 412,4 nghìn nam giới và 314,2 nghìn nữ giới.
Biểu 1: Số người thiếu việc làm của quý II năm 2020 tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước
Đơn vị: Nghìn người
|
So với quý trước
|
So với cùng kỳ năm trước
|
15 tuổi trở lên
|
363,9
|
726,6
|
Thành thị
|
182,8
|
218,2
|
Nông thôn
|
181,1
|
508,4
|
Nam
|
250,0
|
412,4
|
Nữ
|
113,9
|
314,2
|
Trong độ tuổi lao động
|
292,0
|
648,4
|
Thành thị
|
166,6
|
199,4
|
Nông thôn
|
125,4
|
448,9
|
Nam
|
226,3
|
393,3
|
Nữ
|
65,7
|
255,0
|
Ngoài độ tuổi lao động
|
72,0
|
78,2
|
Thành thị
|
16,2
|
18,8
|
Nông thôn
|
55,7
|
59,5
|
Nam
|
23,8
|
19,1
|
Nữ
|
48,2
|
59,1
|
Gần một nửa người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý II năm 2020 đang làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 48,2%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm ở khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 5,03%, cao gấp 2,2 lần so với khu vực Công nghiệp và xây dựng và cao hơn 2,4 lần so với khu vực Dịch vụ.
So sánh giữa các nhóm nghề, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thuộc nhóm nghề “bậc thấp” là cao nhất với 4,73%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là nhóm nghề “bậc trung” với tỷ lệ 2,59%, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
So sánh theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là cao nhất với 3,43%, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; nhóm trình độ sơ cấp có tỷ lệ thiếu việc làm là 2,74%, cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II năm 2020 giảm, là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với thu nhập của lao động nữ (tương ứng là 6,1 triệu đồng và 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 6,7 triệu đồng và 4,5 triệu đồng).
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 khu vực Dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực Công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.
Hình 4: Thu nhập bình quân tháng của lao động theo khu vực kinh tế
Đơn vị: Nghìn đồng/tháng
Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động là chủ cơ sở có mức giảm cao nhất, giảm 17,3%; lao động tự làm giảm 7,6%; lao động làm công hưởng lương giảm 2,8 %.
Thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ càng cao, mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ từ đại học trở lên tăng 0,5% trong khi thu nhập của lao động có trình độ sơ cấp giảm nhiều nhất (giảm 8,3%); lao động có trình độ trung cấp giảm 7,2%; lao động có trình độ cao đẳng giảm 3,3%.
Hình 5: Tỷ lệ tăng/giảm thu nhập bình quân tháng của lao động đã qua đào tạo chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật so với cùng kỳ năm trước
Đơn vị: %
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý II năm 2020 là 2,73%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, cao hơn 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Hình 6: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động
quý II các năm giai đoạn 2011-2020 chia theo thành thị, nông thôn
Đơn vị: %
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên quý II năm 2020 giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý II năm 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao.
Hình 7: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật
Đơn vị: %
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện
Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động có nhu cầu làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng lực lượng lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế. Đây là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại nhưng duy trì ở mức ổn định. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.
Kết quả điều tra lao động việc làm từ năm 2018 đến nay cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam dao động ở mức 4,0%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện từ tháng 1 năm 2020 tại Việt Nam, chiếm 4,6% vào quý I năm 2020 và 5,8% vào quý II năm 2020. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II năm 2020 tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng khoảng 1 triệu người.
Hình 8: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng
Đơn vị: %
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 34 tuổi (52,6%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 34 tuổi chỉ chiếm 36,5%. Điều này cho thấy tỷ trọng lao động trẻ của Việt Nam tham gia vào thị trường lao động không cao nhưng mức độ “không sử dụng hết tiềm năng” của họ cao hơn nhiều so với lao động nhóm tuổi khác. Như vậy, việc tận dụng lợi thế về lao động trẻ và có kỹ năng còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Hình 9: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng
Đơn vị: %
3. Kết luận và khuyến nghị
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 01 năm 2020 đến nay đã tác động đến lao động, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.
Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Lao động làm việc trong khu vực Dịch vụ bị tác động tiêu cực nhiều nhất trong ba khu vực kinh tế.
Dịch Covid-19 đã khiến tình trạng lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II năm 2020 tăng cao gấp khoảng 1,5 lần so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đa phần lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ, dưới 34 tuổi.
Tác động của dịch Covid-19 đã làm cho lao động gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp sức lao động của mình trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Hậu quả là, đối với bản thân người lao động, thu nhập của họ đã giảm đáng kể so với trước khi xảy ra đại dịch. Cùng thời điểm năm trước, trong khi tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 đạt 16,6%, thu nhập quý II năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm hơn 5%. Thu nhập của nhóm lao động làm chủ cơ sở giảm nhiều nhất so với các nhóm lao động có vị thế khác.
Trước tình hình khó khăn của người lao động trong việc tiếp cận công việc để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người lao động, trong đó có Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đối với tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP: ngành lao động, thương binh và xã hội đã triển khai nhanh, đúng mục đích, yêu cầu với tinh thần khẩn trương, chặt chẽ, hiệu quả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến đúng đối tượng. Tính đến ngày 25/6/2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỷ đồng.
Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng GDP trong quý II năm 2020 thấp kỷ lục trong nhiều năm qua nhưng là mức tăng trưởng dương mà nhiều nước trên thế giới không đạt được. Tuy vậy, dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn ra phức tạp với nhiều nguy cơ bùng nổ làn sóng dịch lần thứ 2 tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động tại Việt Nam. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Theo kết quả Điều tra lao động việc làm, 57,3% người từ 15 tuổi trở lên bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy cần nâng cao hiệu quả giải ngân các gói hỗ trợ thu nhập cho người dân vượt qua đại dịch.
(2) Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
(3) Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải…
(4) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, lao động không sử dụng hết tiềm năng có xu hướng gia tăng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong trạng thái “bình thường mới”, mặt khác cần tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
(5) Doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch Covid-19 để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ